XÉT NGHIỆM TẦM SOÁT UNG THƯ SỚM

21.04.2022 09:58

Hiện nay, việc tầm soát ung thư để giúp phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm đang được nhiều người quan tâm. Trong đó, danh mục xét nghiệm máu trong quy trình xét nghiệm tầm soát ung thư sớm là danh mục thường gặp.

XÉT NGHIỆM TẦM SOÁT UNG THƯ SỚM

Xét nghiệm máu là phương pháp quan trọng trong tầm soát ung thư

 

Xét nghiệm máu là phương pháp giúp bác sĩ tìm ra dấu ấn ung thư, đó là các protein đặc biệt, do tế bào ung thư sản sinh ra hoặc do các hormon. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, xét nghiệm máu không thể hiện được 100% bản chất ung thư. Nguyên nhân bởi có thể cho ra kết quả dương tính giả do máu có chứa những chất tương đồng với khối u.

          Để xác định bệnh nhân có khối u ung thư hay không, thường bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm lại xét nghiệm sau khoảng thời gian 3- 6 tháng… Nếu đúng là có khối u thì các chỉ số này sẽ tăng lên theo tỷ lệ kích thước khối u. Khi các chỉ số này tăng lên sẽ kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng khác để xác định bệnh.

          Ngoài ra, xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư còn được sử dụng để theo dõi điều trị và tiên lượng tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm. Cần lưu ý rằng giá trị của các chỉ số ung thư không phải tuyệt đối và nó chưa thể kết luận chính xác bạn có mắc bệnh ung thư hay không. Tuy nhiên nếu xét nghiệm thấy các dấu ấn ung thư tăng cao, bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu khác.

          Một số chỉ số xét nghiệm máu phổ biến khi tầm soát ung thư mới được triển khai tại Bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần đó là:

– Chỉ số AFP tăng cao có thể xuất hiện ở bệnh nhân bị ung thư gan nguyên phát, ung thư buồng trứng hoặc ung thư tinh hoàn.

– Chỉ số CA 125 tăng cao có thể xuất hiện ở bệnh nhân bị ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tử cung và các bệnh ung thư đường tiêu hóa.

– Chỉ số CA 19-9 tăng cao có thể xuất hiện ở bệnh nhân bị ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy và bệnh ung thư đường tiêu hóa khác.

– Chỉ số CA 15-3 tăng cao có thể xuất hiện ở bệnh nhân bị ung thư vú, ung thư phổi.

– Chỉ số HCG tăng cao (ngoài kỳ mang thai) có thể xuất hiện ở bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn, ung thư màng đệm.

– Chỉ số Cyfra 21-1 tăng cao thường xuất hiện ở bệnh nhân bị ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư vú, cổ tử cung.

- Chỉ số Calcitonin Xét nghiệm Calcitonin thường được sử dụng để đánh giá các trường hợp nghi ngờ ung thư tuyến giáp.

– Chỉ số CA 72-4 tăng cao có thể xuất hiện ở bệnh nhân bị ung thư dạ dày.

          Việc các chỉ số trong xét nghiệm máu tăng cao có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Do đó, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân có mắc ung thư hay không thì bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân cần làm kết hợp nhiều xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng khác như chụp CT, chụp MRI, siêu âm, nội soi, sinh thiết… (căn cứ vào từng trường hợp cụ thể).

* Những lưu ý khi đi thực hiện xét nghiệm máu

Việc thực hiện xét nghiệm máu có một số yêu cầu nhất định cho bệnh nhân để giúp kết quả có độ chính xác cao. Cụ thể như:

– Bạn nên thực hiện bước nghiệm máu vào buổi sáng.

– Đối với một số loại xét nghiệm, người bệnh sẽ cần nhịn ăn khoảng từ 8 – 12 tiếng trước đó để đảm bảo kết quả chuẩn xác.

– Không uống các loại nước ngọt, sữa, nước trái cây và tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafein trong vòng khoảng 12 tiếng trước khi tiến hành xét nghiệm máu.

– Bạn cần giữ cho tâm lý thoải mái, tránh tình trạng bị căng thẳng, stress, không nên thức đêm.

– Thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế, điền đầy đủ và chính xác thông tin sức khỏe của bản thân.

???? BVĐK huyện Xín Mần - Đ/c: Tổ 4 - TT Cốc Pài - huyện Xín Mần - Hà Giang.

???? BS: tư vấn (trong giờ hành chính): ???? 0968626848 hoặc 0868252585

                                Viết bài Trương Thanh Hải