Theo thông báo của Bộ Y tế tại văn bản số 6188/BYT-KH-TC, những địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT từ 85% trở lên sẽ thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả chi phí tiền lương từ 12/8/2016 có 16 tỉnh, thành phố đó là: Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hoà Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn.
Đây là đợt điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đầu tiên trong lộ trình đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế. Bình quân mức giá có tiền lương tăng khoảng 18% so với mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tính tiền lương. Việc điều chỉnh giá này vẫn chỉ thực hiện đối với người có thẻ BHYT, không ảnh hưởng đối với người chưa có thẻ BHYT.
Trước đó, liên Bộ Y tế – Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37 (ngày 29/10/2015) quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, trong đó quy định giá dịch vụ y tế BHYT được thực hiện theo lộ trình 2 bước:
Bước 1: Mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù được thực hiện từ ngày 1/3/2016.
Bước 2: Được tính thêm chi phí tiền lương được thực hiện từ 1/7/2016. Theo quy định của Thông tư 37 của liên Bộ YT-TC thời điểm áp dụng mức phí này đối với các tỉnh do Bộ Y tế quy định tại văn bản 6188. Tại tỉnh ta, áp dụng mức giá kể từ ngày 1.9 theo Quyết định số 2800 của UBND tỉnh. Theo đó, giá tiền công khám bệnh đối với bệnh viện hạng I (bệnh viện đa khoa tỉnh) tăng từ 20.000đ lên 39.000đ, bệnh viện hạng II tăng từ 15.000đ lên 35.000đ, bệnh viện hạng III tăng từ 10.000đ lên 31.000đ, bệnh viện hạng IV và Trạm y tế xã tăng từ 7.000đ lên 29.000đ; giá ngày giường nội khoa bệnh viện hạng I tăng từ 99.000đ lên 199.100đ, hạng II tăng từ 80.000đ lên 178.500đ, hạng III tăng từ 51.000đ lên 149.800đ, bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã tăng từ 41.000đ lên 140.000đ….
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhằm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT vì không phải trả thêm hoặc mua một số vật tư chưa kết cấu vào giá; các bệnh viện có điều kiện để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng và được BHYT thanh toán ngay trên địa bàn; giảm chi tiền túi và bảo đảm công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh. Việc tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế sẽ giúp các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị… từ đó đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phục vụ người bệnh tốt hơn, thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực y tế; sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư; đồng thời làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đối với người không có thẻ BHYT, trước mắt áp dụng mức giá dịch vụ y tế đã thực hiện từ năm 2008 theo Quyết định số 2250/QĐ-UBND và Quyết định số 1854/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Giang nên không bị ảnh hưởng. Đối với người có thẻ BHYT, việc thực hiện Thông tư 37 về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, người cận nghèo… vì các đối tượng này đã được ngân sách Nhà nước và tỉnh hỗ trợ để mua thẻ BHYT, phần tăng thêm về cơ bản do BHXH thanh toán.
Bs. Đỗ Thị Mỹ
Nguồn: http://ytehagiang.org.vn